Văn hóa Đài Loan có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, đặc biệt là những món ăn ngày Tết. Những món ăn vào ngày này được chuẩn bị, chế biến kĩ càng và bày trí một cách cầu kỳ để thể hiện ước mong những điều tốt đẹp vào năm mới. Thông thường, mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa riêng biệt về tiền tài và những điều may mắn, ngụ ý cầu mong một năm mới bình an, vạn sự như ý.
Cá – món ăn ngày Tết Nguyên Đán đem lại sự sung túc, dư dả cho người Đài Loan
Từ “cá” trong tiếng Trung có cách phát âm tương đối giống với từ “dư thừa”, do đó, đây là một món ăn không thể thiếu trong những bữa ăn ngày Tết Nguyên Đán của người Đài Loan. Món cá sẽ được chế biến theo rất nhiều cách khác nhau, thông thường là hấp, nướng hoặc làm sốt,… Màu sắc và cách bày trí món ăn cũng rất quan trọng với người Đài.
Đặc biệt, khi ăn, người Đài không ăn hết mà sẽ thừa lại một ít thịt. Họ quan niệm rằng, hành động không ăn hết cũng đồng nghĩa với dư thừa, thể hiện mong cầu một năm mới dư dả, thịnh vượng.
Gà – món ăn ngày Tết Nguyên Đán của người Đài Loan tượng trưng cho sự sum họp
Trên mâm cỗ ngày Tết của người Đài Loan, một đĩa gà nguyên con là thứ không thể thiếu. Đây đơn giản chỉ là một món gà luộc hoặc hầm bằng nồi đất. Người Đài quan niệm rằng, gà tượng trưng cho sự sum họp, đoàn tụ của gia đình. Do đó, vào ngày Tết, mọi thành viên trong gia đều đều bắt buộc phải ăn hết thịt gà trong bữa ăn.
Mì trường thọ chân giò – món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Đài Loan
Từ thời xa xưa khi đất nước vẫn còn đói khó, người ta cho rằng thịt lợn là một món ăn xa xỉ và chỉ có những người giàu có mới có thể “chạm đũa”. Vì vậy, ở Đài Loan, thịt lợn tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Bên cạnh đó, sợi mì dài, dai cũng thể hiện cuộc sống trường thọ và sức khỏe dẻo dai. Vậy nên, món mì trường thọ chân giò thể hiện khát vọng một cuộc sống khỏe mạnh và đủ đầy.
Mì trường thọ chân giò có thể được ăn kèm cùng các loại rau củ tốt cho sức khỏe. Ngoài ngày Tết Nguyên Đán, món ăn này còn thường xuất hiện trong các bữa tiệc sinh nhật, mừng thọ vì mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với người Đài
Bánh củ cải – món ăn của sự may mắn
Bánh củ cải thơm ngon là món ăn vô cùng quen thuộc với người Đài, đặc biệt là vào ngày Tết Nguyên Đán. Phiên âm của từ “củ cải” rất giống với từ “may mắn”, do đó món ăn này thể hiện sự mong cầu một năm mới may mắn, vạn sự như ý. Người dân xứ Đài cho rằng, càng ăn nhiều bánh củ cải vào ngày Tết thì năm mới của họ sẽ càng gặp nhiều may mắn.
Bánh củ cải được làm từ bột gạo, củ cải băm nhỏ, hẹ, muối, hạt tiêu và nhiều loại gia vị khác sau đó sẽ được chiên lên. Món ăn này thường được kết hợp với ớt hoặc nước tương, đem lại một hương vị vô cùng thơm ngon, đậm đà.
Sủi cảo – món ăn ngày Tết Nguyên Đán của người Đài Loan
Ngoài trên mâm cổ ngày Tết ra, sủi cảo cũng là một món ăn rất quen thuộc với người Đài và Trung. Vỏ của món ăn này được làm từ bột, nhân rất da dạng, có thể là thịt, tôm, cà rốt và hành tây… Sủi cảo có rất nhiều cách chế biến, điển hình là luộc, chiên, nấu canh và hấp.
Bánh tổ nian gao
Bánh tổ nian gao là một loại bánh được làm từ gạo nếp, dùng để tráng miệng và là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng vào các dịp lễ, đặc biệt là vào ngày Tết Nguyên Đán của người Đài Loan. Người dân xứ Đài ăn món bánh nian gao vì mong muốn được thăng quan tiến chức, phát triển sự nghiệp. Niangao có rất nhiều cách trang trí đẹp mắt giúp cho bàn ăn dịp Tết trở nên đặc sắc và ngon miệng hơn.
Bánh fagao
Ngoài dùng để tráng miệng ra, bánh fagao còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là sự thịnh vượng. Người Đài quan niệm răng, ăn bánh fagao vào đầu năm mới, sự nghiệp của của người đó sẽ ngày càng tấn tới và phát triển tốt đẹp.
Bánh fagao mang hương vị thơm và thoang thoảng một chút hương rượu nếp. Chất bánh xốp và mềm, khá giống với bánh bông lan. Bánh thường được dùng vào buổi sáng hằng ngày và là một món tráng miệng đầy ý nghĩa vào mỗi bữa ăn ngày Tết.
Hoa quả có màu vàng, cam, đỏ
Cũng giống như mâm cỗ ngày Tết của người Việt; quất, cam, quýt là những loại hoa quả thường thấy nhất trên mâm cỗ của người Đài Loan. Các loại quả này mang màu sắc tươi tắn, biểu hiện cho sự may mắn, khởi đầu thành công. Do đó cam, quýt được ăn vào ngày Tết với ý nghĩa tiền tài, may mắn và thành công.